<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Lá Nắng Chùa Từ Đàm
Tác giả: Tập Kỷ Yếu Khánh Thành

LÁ NẮNG CHÙA TỪ ĐÀM

 

Giáo sư VÕ VĂN ÁI

 

       Từ đàm là nơi tôi học Phật.

 

              Từ thời đoàn Đồng Ấu, đoàn Phật học Đức dục, từ thời Gia đình Phật hóa phổ… dễ đã sáu mươi năm qua, Từ đàm là ngôi chùa ấp ủ trong lòng tôi. Khi ở đó, chùa là hình của Phật. Khi đi xa, chùa là bóng mát chư Bồ Tát, ở đó ngun ngút trầm hương đốt. Ở đó vang lên ngày mồng Tám tháng Tư về đây… ở đó dây thân ái lan rộng muôn nhà.

 

              Ở đó, ngài Tiêu Diêu nổi lửa. Nhưng trước đó, là tiếng nói sang sảng, vang vọng, điểm hỏa cho sự vùng dậy của Phật giáo đồ trước cảnh trạng không thể nào chấp nhận nữa. Cảnh trạng của Dụ số 10 do ông vua thừa sai ký theo lệnh thực dân Pháp, biến tướng đạo Phật thành câu lạc bộ nhàn tảng, thành hội đoàn tiêu khiển. Các chính quyền thừa sai sau đó sẽ tha hồ căn cứ vào, chà nghiến nền đạo lý lâu đời và khởi thủy của dân tộc.

 

              Tôi chưa quên Tiếng Nói hùng lực của Thầy Trí Quang trong hai cuộc biểu tình tại sân chùa Từ đàm ngày 10 và 15-05-1963 – sau vụ nổ ở đài Phát thanh Huế và lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật đản. Tiếng nói ấy, lời phát biểu ấy, là bài Thuyết pháp đầu tiên về chính trị, mà từ ba thế kỷ qua vắng bặt trước sức tiến công vũ bão của đế quốc phương Tây, với sự bó tay đầu hàng của triều đình Nho hương nguyện. Hùng khí Luy Lâu, hùng khí Lý Trần sống dậy qua những lời nói khác lạ mà dân Việt chưa từng chứng kiến qua hàng nghìn cuộc biểu tình sách động mà mùa Thu năm 1945, Phật tử Huế, Phật tử chùa Từ đàm còn nhớ lời nói ấy của Thầy Hội trưởng hội Phật giáo Trung phần không ? Hãy nghe :

 

              - “Tôi đây, các vị Tăng già đứng chung quanh tôi đây không có khí giới, Phật tử cũng vậy, chúng ta không có khí giới. Hội họp hôm nay chỉ đòi hỏi cho lý tưởng tôn giáo, cho lý tưởng hòa bình. Không tranh đấu vì quyền lợi, không áp dụng sức mạnh. Vì lẽ đó, nếu có kẻ nào bạo động, chúng ta cũng chịu chết, cam tâm nằm xuống không di chuyển hàng ngũ, không trả thù. Lệnh đó là cảnh cáo cho những kẻ muốn hành động điều đó…

 

              (Tiếng vỗ tay và khẩu hiệu “Phật giáo bất diệt ! Phật giáo bất diệt ! của đoàn người đứng chật sân chùa Từ đàm kéo xuống đến cầu Bến ngự, vang động một góc trời).

 

              _ “Không vỗ tay ! Không vỗ tay ! (Tiếng của Thầy Trí Quang vang lên). Các đạo hữu hãy tuyệt đối nghe lời của tôi : Không vỗ tay ! Không hô khẩu hiệu ! Không hoan hô! Không đả đảo !”

 

              Rồi Thầy đọc các biểu ngữ của quần chúng cho vị Tỉnh trưởng Thừa Thiên và các đại diện chính quyền có mặt hôm ấy nghe :

 

              *.- “Phật giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách bình đẳng tôn giáo”

 

              *.- “Đã đến lúc chúng tôi bị bắt buộc phải tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng !

 

              *.- Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào !”

 

              *.- “Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ !”

 

              *.- “Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ Chánh pháp dù phải hy sinh !”

 

              *.- “Phản đối chính sách bất công gian ác !”

 

              Đó là những ngày mà cuồng phong và bão dậy chẳng làm lay động mái chùa Từ đàm và tâm can Phật tử Huế. Tiếng Nói ấy vẫn là tiếng nói bất khuất của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX, mở đầu sự hồi sinh của đạo Phật giữa thời loạn tưởng của quê hương trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn vì vọng ngoại. Đồng lúc mở ra Con Đường Phật trên thế giới với ánh lửa hào quang của Bồ Tát Quảng Đức.

 

              Bạo động đến thế nào, mưa gió cắt da, hay nắng nung những mùa phượng ve ran, Từ đàm là lá nắng phất phơ thanh mát, cư ngụ tâm hồn tôi từ bấy lâu đến nay. Từ đàm những ngày cắm trại, lan qua chùa Tường vân, Báo quốc. Từ đàm những ngày ngồi nghe những bài thuyết pháp vỡ lòng. Ông Đôn Hậu trong tư thế hoa sen, tay bắt ấn thiền, mặt trang nghiêm như tượng, mắt nhắm, và miệng thuyết pháp giọng đều đều như sóng vỗ. Lối thuyết pháp không còn thịnh hành sau nầy.

 

              Như khóm mai già nơi góc núi mỗi năm tới lui bằng hương sắc, những hình ảnh ấy của Từ đàm và Huế theo tôi đi kháng chiến, theo tôi đi vào tù, theo tôi ra bốn phương trời thế giới, long đong theo vận nước, nhắc nhở một thưở biếc xanh chưa hề nhòa.

 

              Thế rồi điều chẳng ai ngờ tới, là Tổ Đình Từ Đàm lại mọc lên nơi đất khách, nơi miền Trung Mỹ, ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas. Và là Tổ đình Từ đàm Hải ngoại do Thượng tọa Tín Nghĩa kiến tạo. Tôi được mời tham dự Đại hội Thường niên lần thứ 2 nghiêm kỳ II của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ văn phòng II Viện Hóa Đạo, từ ngày 09 đến 12-10-1998. Dịp nầy cũng là lễ Khánh thành ngôi Tổ đình nghiêm trang hùng vĩ vừa hoàn mãn việc xây cất.

 

              Hai nghìn Phật tử tham dự. Nắng gắt màu vàng trong, điệp vào y áo chư Tăng Ni, Từ đàm Huế sững dậy trong tôi với lối tụng tán từ lâu không còn nghe. Thầy Tín Nghĩa, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Nghi lễ, dẫn dắt toàn bộ đại lễ: Niệm, đọc, tụng, xướng, bạch, thỉnh, tán theo điệu thức đặc biệt Huế, hòa âm thành không khí thanh bình tịnh độ.

 

              Lối tụng miền Nam mang làn điệu Bắc, Nhạc, Ai và Oán, trong khi miền Bắc thiên về Hát nói, còn miền Trung theo làn điệu Thiền, Nam và Ai. Dù xuất phát từ làn điệu Bắc, nhưng làn điệu Thiền của Huế không bộc lộ cái vui tươi nhí nhảnh của điệu thức Bắc, cũng không mang nỗi buồn vương của điệu thức Nam, mà mở ra âm vực trang trọng, uy nghi đến phiếu diễu. Chuông trống Bát nhã vừa dứt, tiếng chuông báo chúng, chuông gia trì, linh, tang, đẩu, chập chõa, bồng, đại cổ… hòa cùng tiếng tán xấp, tán rơi, tán trạo qua các lối tán Nhứt điện, Thiên trà, Khể thủ,… khi trầm, khi ngân, khi vút.

 

              Giây phút ấy, Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại dựng lên bằng âm thanh và hào quang trong Phật tâm của mỗi người.

 

              Tôi đứng một mình giữa triều người trồi dậy, nghe chiếc lá nắng đong đưa một thời Huế trong hồn. Phải chi có thêm giọng hát Hà Thanh như lời song nhắc nhủ…  

 

 

 

              Quê hương tôi miền Trung, sớm hôm chuông chùa nhẹ rung tiếng muôn đời Tổ tiên kiêu hùng. Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ đàm, nơi yêu thương phát nguồn Đạo vàng, qua bao dông tố chùa Từ đàm tôi vẫn còn.

 

 

              Quê hương tôi là đây, sớm hôm hương trầm nhẹ bay, vấn vương lời kinh chiều nay vơi đầy. Ôi anh linh bóng chùa Từ đàm, nơi Bắc Nam nối liền một nhà, tay trong tay quyết vì loài người còn lầm thanh…”. 

 

 

 

 

 

 

Mục Lục

Diễn Văn Khai Mạc Đại Lễ Khánh Thành Chánh Điện

Diễn Văn Chào Mừng Đại Hội Thường Niên Nhiệm Kỳ II

Diễn Văn Khai Mạc Đại Hội Thường Niên II

Quyết Nghị Của Đại Hội

Tâm Thư Của Đại Hội

Mấy Ai Dễ Biết

Cảm Niệm Tổ Đình Hải Ngoại

Từ Đàm Quê Hương Tôi

Trúc Lâm, Từ Đàm, Từ Đàm Hải Ngoại

Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Đạo Mạch và Nền Văn Hóa

Chùa Từ Đàm Quốc Nội Đến Hải Ngoại

Phật Giáo Sự Kỳ Thị Chủng tộc và Giai Cấp

Vài Nét Tâm Sự

Niềm Vui Chưa Trọn

Phật Giáo Việt Nam Trước Những Ảnh Hưởng của Văn Hóa Xã Hội Hoa Kỳ

 

Lá Nắng Chùa Từ Đàm

Gợi Chút Dĩ Vãng

Huế Thủ Đô Của Tự Do Tôn Giáo

VỀ CHUYẾN ĐI DỰ ĐẠI HỘI DALLAS

Thời Điểm Chiến Lược

Vài Đặc Điểm Của Phật Giáo

Tính Cách Chính Thống Của GHPGVNTN

Đóa Sen Nở Giữa Mặt Hồ Nhân Gian

Đọc Thơ HT. Thích Tín Nghĩa

Chân Thành Tri Ân và Cảm Tạ

Chư Tăng Ni và Phái Đoàn Về Tham Dự Lễ Khánh Thành

Hội Đồng Điều Hành Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Chương Trình Lễ Khánh Thành

 Ký sổ vàng xây dựng Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Vài nét về Tổ Ðình Từ Ðàm Hải Ngoại

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Cáo Bạch
Anh Hùng và Tội Đồ
Lá Thư Xuân Quý Mão
Điện thư Phân Ưu của Giáo Hội
Chương Trình Sinh Hoạt Trong Năm Giáp Thìn - 2024
Thông Bạch Vu Lan 2022 - PL. 22566
Phạm Duy Vĩnh Biệt Thôn Đoài
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ Tổ Chức Đại Hội Thường Niên Lần Thứ 2
Chương Trình Sinh Hoạt Năm Nhâm Dần-2022 của Từ Đàm
Nguyễn Trường Tộ : Từ Huyền Thoại Đến Thực Chất Con Người và Sự Thật
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3148989
Có -579 Khách Đang Online